Review phim: Lời tự thú của một tín đồ mua sắm

Review phim: Lời tự thú của một tín đồ mua sắm

Nhân một ngày cuối tuần, mình muốn gởi đến các bạn một bộ phim giải trí về chủ đề thời trang. Lời tự thú của một tín đồ mua sắm – với tên gốc “confession of a shopaholic”. Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Rebecca Bloomwood thích mua sắm hơn bất cứ thứ gì khác. Câu chuyện chính là lời tự thú của nhân vật chính về việc nghiện mua sắm, kết quả là cô rơi vào khủng hoảng nợ nần, và ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Lời tự thú của một tín đồ mua sắm

Chủ đề bộ phim khá gần gũi với những gì chúng ta đang trải nghiệm. Một góc nhìn về sức hút của mua sắm, sự quyến rũ của thời trang, cùng những dấu ấn của nó lên cuộc sống.

Cô nàng nghiện mua sắm

Lời tự thú của một tín đồ mua sắm, dựa trên tiểu thuyết Shopaholic của nhà văn Sophie Kinsella. Trong đó, Isla Fisher vào vai chính, nhân vật Rebecca Bloomwood – cô nàng nghiện mua sắm.

Rebecca không thể cưỡng lại những cám dỗ mua sắm và cảm giác phấn khích mà mua sắm mang lại. Nghiện mua sắm xuất hiện trong bộ phim như một yếu tố hài hước, lãng mạn không thể chối từ. Các manơcanh được nhân cách hóa có thể thấu hiểu nỗi lòng của cô gái và mời gọi mua sắm một cách đầy thuyết phục.

Mình tin rằng đây cũng là lời cảnh báo cho bản thân. Bài học rút ra: nếu đang cai nghiện mua sắm, đừng lạc chân bước vào những cửa tiệm thời trang!

Lời tự thú của một tín đồ mua sắm

Đam mê thời trang nhưng làm việc tại tạp chí tài chính

Đam mê thời trang, ước mơ của Rebecca là làm việc trong một tạp chí thời trang nổi tiếng mà cô yêu thích. Cơ hội chưa mỉm cười trong khi cô phải gánh những khoản nợ chồng chất từ việc mua sắm. Cô rẽ hướng sang công việc viết lách cho một tạp chí tài chính. Tạp chí này có tên Saving success, một chủ đề mà cô không biết gì theo đúng nghĩa đen. Thú vị ở chỗ đó cũng liên quan đến những gì Rebecca trải qua – văn hóa tiêu dùng.

Tại chỗ làm việc mới, Rebecca gặp ông chủ Luke – do Hugh Dancy bảnh bao đóng vai. Anh không nói nhiều về tiền bạc khi là biên tập viên của tạp chí Saving Success. Điều quan trọng hơn, Luke xuất thân là một người giàu có nhưng không hề phô trương. Câu nói tâm đắc của anh “Chi phí và giá trị là những thứ rất khác nhau”. Đây cũng là bài học quan trọng mà Rebecca học được trong suốt bộ phim. Suy cho cùng, việc mua sắm khiến cô ấy phải trả giá rất nhiều.

Niềm vui bất tận của việc mua sắm và cái kết

Lời tự thú của một tín đồ mua sắm là một lời nhắc nhở về chủ nghĩa tiêu dùng. Rằng mua sắm mang lại niềm phấn khích tuyệt vời vào chính lúc bạn mua sắm. Cảm giác vui sướng hiện lên trong đôi mắt lấp lánh của Rebecca. Những gì cô ấy thấy “cực kỳ cần thiết”, “thực sự tuyệt vời”, “ai cũng phải ngưỡng mộ”, “đáng giá từng xu”, “thứ đẹp nhất mà tôi từng thấy”... Nhưng cảm giác đó nhanh chóng mất dần. Cô thậm chí còn không nhớ những món đồ mình đã mua.

Trong khi đó, cô phải tìm mọi cách để trốn tránh người đòi nợ thẻ tín dụng. Những khoản nợ mấy nghìn bảng luôn thấp thoáng trong đầu và đe dọa cô. Chỉ có điều, mỗi khi tập cắt giảm chi tiêu thất bại, cô ấy chỉ có mỗi cách an ủi duy nhất là mua thêm cho mình một thứ gì đó.

Lời tự thú của một tín đồ mua sắm

Không chỉ là lời nhắc nhở, bộ phim còn đưa ra lí do dẫn đến thói quen mua sắm. Mỗi khi cảm thấy cuộc sống không còn màu hồng, cô lại mua sắm. Khi cô ngưng mua sắm, mọi thứ lại trở nên khó khăn. Hành động này của Rebecca như một mong muốn trốn tránh thực tại khó khăn.

Kết thúc khá gọn gàng và có thể dễ dự đoán, Lời tự thú của một tín đồ mua sắm vừa mang tính giải trí vừa để lại những điều đáng suy nghĩ. Với cốt truyện khá hấp dẫn, bộ phim đặt ra câu hỏi: Điều gì thể hiện hay định nghĩa con người chúng ta? Có thể là gia đình, những gì chúng ta mặc, chiếc xe chúng ta đi hay những gì chúng ta sở hữu?

Bài viết liên quan

Để lại câu hỏi & nhận trả lời nhanh qua email.

Hi – my life: A true simple & happy life


    Facebook Google+ Twitter Pinterest