Việc vứt bớt đồ đạc không phải là mục đích của lối sống tối giản, mà đó chỉ là 1 phương tiện giúp ta nhận rõ đâu mới là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống của mình
Nếu bạn muốn tìm hiểu về lối sống tối giản thông qua một cuốn sách, thì Lối sống tối giản của người Nhật – được viết bởi tác giả người Nhật Fumio Sasaki sẽ là gợi ý thú vị dành cho bạn. Cuốn sách phù hợp với những ai mong muốn thay đổi cuộc sống gọn nhẹ và đơn giản hơn, tập trung vào những gì quan trọng với bản thân và sống hạnh phúc hơn.
Là một người phụ nữ, tôi luôn muốn vun vén cho gia đình có một ngôi nhà tươm tất và gọn gàng. Tôi đã đọc nhiều blog chia sẻ cách sắp xếp nhà cửa khoa học ở mọi ngõ ngách trong nhà, từ phòng khách, phòng ngủ, phòng cơm đến nhà kho. Tuy nhiên, mong muốn này nhiều khi trở thành điều bất khả thi khi vừa làm việc hơn 8 giờ một ngày vừa tự hỏi làm sao có thể dọn dẹp một ngôi nhà vốn nhiều đồ đạc đến thế. Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi tìm kiếm được giải pháp thỏa đáng hơn cho bản thân và gia đình. Dù không hẳn là một người theo lối sống tối giản, tôi xác định hơn cho bản thân điều gì thực sự là quan trọng và điều gì nên loại bỏ. Cuộc sống trở nên thú vị hơn và tôi yêu những gì mình lựa chọn.
Cấu trúc cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật review
Mở đầu cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật là hình ảnh những căn phòng kiểu mẫu cho người chọn lối sống tối giản với nhiều phong cách khác nhau – căn phòng dành cho người độc thân, căn phòng đơn giản khác đối với người yêu thích kỹ thuật số nhưng cũng gắn bó với thiền, căn phòng dành cho hai vợ chồng và ngôi nhà của cả gia đình. Những hình ảnh này giúp người đọc phần nào hình dung thế nào là lối sống tối giản.
Ngay câu đầu tiên ở lời mở đầu, tác giả đã khẳng định: “Đồ đạc ít, hạnh phúc nhiều. Chính vì thế, chúng ta không còn cần đồ đạc nữa.” Tại sao vậy? Toàn bộ cuốn sách sẽ là câu trả lời thú vị cho câu hỏi này nhé!
Cuốn sách gồm có 5 chương.
- Ở chương một, tác giả trình bày lối sống tối giản là gì và tại sao lại có những người sống tối giản.
- Chương hai lý giải quá trình tích trữ đồ đạc của chúng ta. Trong chương này, người đọc dần dần nhận ra quá trình tâm lý của bản thân khi mua sắm đồ đạc.
- Nếu như ở hai chương trước, bạn đã được truyền cảm hứng về lối sống tối giản thì ở chương ba sẽ chỉ ra những bí kíp giúp bạn giảm thiểu số lượng đồ đạc. Tác giả chia sẻ những quy tắc và cách thức để có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà.
- Chương bốn sẽ là những chuyển biến trong cuộc sống của tác giả sau khi dọn hết đồ đạc. Hay những lợi ích tích cực khi theo đuổi lối sống tối giản, kèm theo các phân tích và khảo sát nghiên cứu tâm lý học.
- Với lời mở đầu là khẳng định “Đồ đạc ít, hạnh phúc nhiều”, ở chương cuối cùng, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời khi tác giả cho thấy những thay đổi của bản thân mang đến hạnh phúc thật sự.
Lối sống tối giản của người Nhật, mặc dù được triển khai từ việc giới hạn tối thiểu những gì cần thiết cho bản thân và vứt bỏ tất cả mọi thứ trừ những thứ quan trọng, lối sống tối giản không chỉ dừng lại ở khía cạnh loại bỏ vật chất mà là từ tinh thần xác định điều gì thật sự là quan trọng với chính mình.
“Việc vứt bớt đồ đạc không phải là mục đích của lối sống tối giản, mà đó chỉ là 1 phương tiện giúp ta nhận rõ đâu mới là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống của mình”
Sau khi đọc cuốn sách này và tìm hiểu sâu hơn về lối sống tối giản, tôi quyết định áp dụng lối sống này vào cuộc sống của mình. Nếu bạn đang ở trong guồng quay của mua sắm liên tục và cảm thấy ngột ngạt trong cuộc sống quá nhiều đồ đạc mà không biết điều gì là quan trọng trong cuộc sống, đây có thể là cuốn sách thú vị dành cho bạn.
Hy vọng Lối sống tối giản của người Nhật review giúp bạn phần nào hình dung được cuốn sách!