Tôi nằm dài trên giường xem hết tập này đến tập khác của phim “Chiếc lá cuốn bay”. Câu chuyện về cô nàng chuyển giới đến hồi gây cấn khi cô bị theo dõi và hồ sơ phẫu thuật bị đánh cắp. Tò mò thêm về gu ăn mặc của nữ diễn viên, tôi rời mắt khỏi tivi để tìm hiểu trên smartphone. Tôi vào Google và tra cứu về diễn viên này. Khi phim chiếu những mẫu quảng cao, tôi sẽ tranh thủ lấy điện thoại và lướt Facebook.
Chuyện đó dường như là bình thường đối với thế hệ 8x, 9x trở đi. Đây là thế hệ ra đời và lớn lên vào thời kì Internet cùng các thiết bị điện tử phát triển mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ giải trí, mà còn học tập, kiếm tiền, kết nối bằng các công cụ điện tử. “Sống ảo” ban đầu có ý tiêu cực, khó chịu đã dần trở thành hoạt động bình thường của mọi người.
Ai cũng chăm chỉ cập nhật những bức hình đẹp. Đăng vài dòng status lên Facebook, Instagram…mỗi ngày. Chúng ta đi cà phê nói chuyện nhưng điện thoại luôn phải đặt trên bàn, trong tầm mắt. Chúng ta đi phượt để trở về với thiên nhiên, nhưng ai cũng có sóng 3G để có thể đưa ảnh ngay lên mạng. Chúng ta mở đầu ngày mới của mình bằng việc với tay lấy chiếc smartphone và đi ngủ bằng cách cất chiếc smartphone ngay cạnh giường.
Chợt một ngày, tôi nhận ra mình gần như trở thành con nghiện với cái đầu rối bời. Tôi bắt đầu thực hiện công cuộc cai nghiện điện tử.
Tại sao bạn cũng cần làm cai nghiện điện tử?
Nguyên nhân lớn làm chúng ta đang phụ thuộc vào smartphone là cái gọi là “sự thỏa mãn tức thì”
Dopamin – chất dẫn truyền thần kinh vốn tiết ra khi chúng ta thỏa mãn, quan hệ tình dịch, có động lực, mơ ước,… Nó cũng tiết ra khi chúng ta nhận thông báo từ điện thoại hay mạng xã hội. Khi bạn đăng một bức hình có rất nhiều lượt like, bình luận, thả tim; ai đó gởi tin nhắn với sticker dễ thương,… Mỗi lần tiếng “ting” nho nhỏ vang lên, ngay lập tức chúng ta với lấy điện thoại và xem có gì vui. Không có gì dễ dàng hơn việc lấy điện thoại và xem nhiều điều diễn ra trên đó, cả chục hay cả trăm lần mỗi ngày chứ?
Thế là chúng ta dần trở nên con nghiện. Các câu slogan của các trang mạng xã hội thường là giúp chúng ta kết nối và thỏa mãn phần nào nhu cầu được thuộc về một “cộng đồng” trong chốc lát. Tuy vậy, sự thỏa mãn thường chấm dứt ngay sau khi màn hình tối lại.
Thế hệ chúng ta lớn lên với tất cả những điều thú vị của công nghệ, nhưng thường ngay lập tức cảm thấy trống rỗng trong lòng. Tỉ lệ nghịch với sự thỏa mãn tức thì là sự thỏa mãn lâu dài về cuộc sống giảm đi, bởi sự tập trung và khả năng kết nối thật sự trong cuộc sống giảm đi. Dần dần, chúng ta đang trở nên “lạc trôi” hơn bao giờ hết.
Nguyên nhân thứ hai rất rõ ràng: chúng ta đang bị cuốn trôi trong cơn lũ thông tin
Mỗi ngày trôi qua lượng thông tin được tạo ra trên thế giới này đều nhiều hơn trong suốt thời kì lịch sử tiền Internet gộp lại. Nhưng não bộ của con người chưa được mở rộng tương ứng. Chúng ta bắt đầu “nhờ” bộ nhớ, kĩ năng tính toán và cả khả năng sáng tạo cho máy tính. Dù tự nhận là ngành “sáng tạo”, đây là cách làm chúng ta phụ thuộc vào nguyên tắc vận hành căn bản và đáng sợ nhất của ngành quảng cáo, tiếp thị. Nó giống như quăng rác vào đầu bạn vậy!
Nếu như có ai đó quăng một bọc rác vào nhà bạn, hẳn là bạn sẽ chẳng để người ta yên. Nhưng hàng ngày luôn có người quẳng rác vào tâm trí bạn, và bạn ngồi đó mà đón nhận.
Bằng cách nào? Xem tin tức chẳng rõ thực hư trên báo. Lướt những newsfeed không bao giờ kết thúc (và rồi phàn nàn về những gì người khác viết). Trôi theo các video được đề xuất “dành cho bạn”… Chưa kể các quảng cáo ngày càng được cá nhân hoá, bám đuổi bạn liên tục dựa theo sở thích và mối quan tâm của bạn. Bạn cứ nghĩ rằng mình có nhiều lựa chọn hơn khi sử dụng internet. Tuy nhiên, thực chất cái bạn có nhiều hơn là ham muốn. Còn chính những nhà tiếp thị mới đang lựa chọn giúp bạn. Bạn tin không? Google và Facebook hiểu sở thích của bạn hơn mẹ bạn đấy!
Mức độ quá tải thông tin của bạn?
Những gì tôi viết rồi sẽ chìm trong biển thông tin kĩ thuật số mà bạn lướt qua. Nếu có chút gì đọng lại, xin hãy là một câu hỏi bạn đặt ra cho mình:
Với lượng rác thông tin mà bạn đang tiếp nhận hàng ngày, hạnh phúc thật sự của bạn đã, đang, sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào?
Nếu không chắc, hãy thử nghiệm như sau: Trong một ngày, bạn hãy ghi nhận lại sau mỗi lần mình sử dụng thiết bị điện tử:
- Thời gian dự kiến dành cho nó?
- Thời gian thực tế dành cho nó?
- Mục đích ban đầu là gì?
- Những hoạt động “ngoài dự kiến” mà bạn làm?
- Số lần bạn click mà không có mục đích cụ thể nào? Bạn chỉ đơn thuần là xem bất cứ cập nhật, thông báo (notifications) nào đó.
Nguyên nhân thứ 3: Các thiết bị điện tử là “kẻ trộm thời gian” lớn nhất
Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng bạn dành bao nhiêu thời gian để lên mạng, lướt Facebook, đọc tin tức,… So với thời gian đó, chúng ta có bao nhiều thời gian thực sự bên gia đình hay cho bản thân?
Ngoài ra các mối lo lắng khác khi dành thời gian cho Internet như:
- Trầm cảm Facebook khi người dùng so sánh mình với những hình ảnh lung linh của người khác. Từ đó, họ trở nên chán chường, tự ti về bản thân.
- Tại công sở, việc liên tục sử dụng các thiết bị điện tử dẫn đến việc giảm thiểu năng suất làm việc và gây stress.
- Đa nhiệm (multitask) gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên khả năng tập trung để học tập. Khi đó, chúng ta chỉ huy động não bộ hoạt động ở mức “bề mặt”, vận động trí nhớ ngắn hạn. Khả năng tập trung cũng suy giảm trầm trọng, và rất ít thông tin được đưa vào bộ nhớ dài hạn.
- Những người làm nghề gắn liền với sự phát triển của Internet như lập trình, thiết kế web, gaming…thường bị các bệnh về xương khớp như thoái hoá đốt sống cổ, đau vai gáy…cũng như suy giảm khả năng giao tiếp xã hội.
- Các ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, xã hội. Thậm chí, chúng ta bị dẫn dắt và kích động dễ dàng khi nghĩ rằng mình đang “an toàn” dưới mặt nạ nặc danh, không phải chịu các trách nhiệm pháp luật thực sự.
- …
Những cách để cai nghiện điện tử
Khi nghe bài trình bày của Anastasia trên kênh TED, tôi cảm thấy lo lắng về chứng nghiện công nghệ. Tuy nhiên, Anastasia chia sẻ một số điều chúng ta có thể làm để cai nghiện điện tử:
- Nếu bạn đang tập trung làm một việc gì đó, hãy tắt thông báo của các ứng dụng. Điều này làm chúng ta không bị phân tâm liên tục bởi các lượt thích của Facebook, Instagram,… Tắt các thông báo để kiểm soát tốt hơn làm việc mà không cần kiểm tra mạng xã hội.
- Phân ra các khu vực “Không công nghệ” như phòng ngủ, bàn ăn và phòng tắm. Chúng ta cần những không gian riêng để cho phép não bộ có cơ hội xử lý thông tin và nghỉ ngơi.
- Kiểm soát bản thân khỏi những kỳ vọng của mọi người. Không cần trả lời email ngay lập tức và rồi mọi người sẽ không mong bạn như vậy nữa. Nếu muốn nhận ít email hơn, thì hãy gởi ít hơn.
- Giờ nào việc nấy. Mỗi lúc một việc mà thôi. Đừng cố gắng trở nên đa năng. Để điện thoại khuất tầm nhìn của mình và tập trung vào công việc lúc đó mà thôi.
- Thanh lọc điện thoại. Sử dụng các thư mục để chứa các app vào đó. Để bạn không thể truy cập ngay trong 1 cái click là vào mạng xã hội ngay.
- Sống chậm lại! Đợi ít phút rồi hẵng trả lời điều gì đó… Sau khi bạn đánh giá xem điều đó có quan trọng cần giải quyết ngay và luôn không.
- Đọc một cuốn sách. Đó là cách rất tốt để tập trung và giảm căng thẳng tới 68%.
Cai nghiện điện tử – Làm chủ cuộc sống
Thật ra, với kiến thức không giới hạn trong tầm tay, công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chúng ta không thể loại bỏ nó ra khỏi không gian sống của mình. Điều cần thiết ở đây là kiểm soát và làm chủ công nghệ.
Ví dụ, khi giảm thời gian ngồi trước màn hình, tôi có thể thêu thùa, cắm hoa, đọc sách. Những sở thích này giúp tôi thư giãn, tránh căng thẳng do bị bão hòa thông tin từ điện thoại. Bạn sẽ ngạc nhiên khi tắt điện thoại và thử nhiều ý tưởng để cuộc sống thêm nhiều màu sắc hơn.
Bí quyết ở đây chính là biết cách cân bằng cuộc sống. Chúng ta không cần phải sợ ảnh hưởng xấu của điện thoại, nhưng biết cách sử dụng nó cách tốt nhất.
Hôm qua, tôi quyết định đem điện thoại và laptop ra khỏi phòng ngủ. Tôi không còn thức dậy và cầm ngay điện thoại lên để lướt Facebook nữa. Đó là khởi đầu tích cực phải không nhỉ?
Thật ra, mạng xã hội củng cố thêm những mối quan hệ trong cuộc sống thật của chúng ta. Nó nhắc chúng ta về những khoảng thời gian tươi đẹp và giúp chúng ta gắn kết hơn. Chỉ cần một chút thay đổi để sử dụng nó một cách tốt nhất và làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc nhất có thể.